Thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh nước ngoài giai đoạn 2016-2021 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2022-2030 do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác tiếp nhận, đào tạo, quản lý lưu học sinh nước ngoài giai đoạn 2016-2021 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2022-2030 do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Theo ông Vinh, ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài:
“Việt Nam có khoảng 3,6% sinh viên đại học đang du học nước ngoài. Đây cũng là mức trung bình đối với các quốc gia có tổng số đầu vào sinh viên nhập học tương đương.
Nhưng tỷ lệ này, với riêng Việt Nam, tốc độ tăng là nhanh hơn so với khu vực”.
Theo ông Vinh, đây là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ ngược lại, giáo dục đại học Việt Nam rất yếu trong vấn đề quốc tế hóa tại chỗ.
“Trong khi tỷ lệ sinh viên nước ngoài đến du học tại Việt Nam rất thấp. Đây cũng là một trong những bài toán cần giải nếu như chúng ta muốn định hướng đến việc quốc tế hóa giáo dục đại học”, Giáo sư Vinh nói.
Trong 10 năm vừa qua, chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam có rất nhiều thay đổi và khởi sắc.
Thứ nhất, công tác đảm bảo chất lượng, tăng tỷ lệ số giảng viên/sinh viên, tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ (đạt khoảng 31,3%).
Thứ hai, Việt Nam cũng đã có những trường đại học lọt vào top 1.000 thế giới và góp mặt trong những bảng xếp hạng có uy tín của Châu Á.
Thứ ba, tỷ lệ công bố quốc tế cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây (khoảng gấp 10 lần trong 10 năm từ năm 2011 đến năm 2020).
Theo Giáo sư Lê Anh Vinh, mặc dù quy mô đào tạo của giáo dục đại học đã tăng trở lại khá nhiều từ năm 2019, nhưng với 185 sinh viên/1 vạn dân, tỉ lệ sinh viên/1 vạn dân của Việt Nam còn rất thấp so với khu vực.
Trong khi đó, từ năm 2005, Thái Lan đã có 374 sinh viên/1vạn dân; Nhật Bản có 316 sinh viên/1 vạn dân và Hàn quốc có 674 sinh viên/1 vạn dân.
Tỷ lệ sinh viên đăng ký học so với tổng số người trong độ tuổi học đại học, cao đẳng năm 2021 của Việt Nam là 35,4%, thấp hơn Indonesia (36,3%), Thái Lan (43,8%), Malaysia (43,1%) hay Singapore (91,1%).
Một trong những kiến nghị của GS Vinh để tạo bước đột phá về chất lượng trong các trường đại học Việt Nam là cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, bao gồm việc thực hiện các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; trao đổi sinh viên giữa các quốc gia và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo, học thuật giữa các cơ sở giáo dục đại học trong nước với quốc tế.
Cùng đó, cần xây dựng các chính sách khuyến khích hoạt động trao đổi sinh viên giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển nhằm tạo cơ hội cho sinh viên các cơ sở giáo dục Đại học được học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi các kỹ năng, nâng cao kinh nghiệm thực tiễn trong môi trường giáo dục quốc tế; góp phần nâng cao tính liên thông quốc tế và chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu, tăng cường mức độ quốc tế hóa của các cơ sở trong nước.
Qua hoạt động trao đổi đào tạo sẽ giúp các trường tiếp cận và chuyển giao kinh nghiệm quản trị đào tạo các chương trình quốc tế và quản trị người học trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa đồng thời góp phần quảng bá, phát triển thương hiệu và nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.
Các hoạt động hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ sở trong nước với quốc tế về phát triển các ngành, lĩnh vực cũng như trong quản trị đại học cần được đẩy mạnh thực hiện nhằm thu hẹp khoảng cách trong nghiên cứu, đào tạo giữa các cơ sở của Việt Nam với thế giới.
Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai nội dung giáo dục bắt buộc đối với học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục nước ngoài tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài chưa được chấp hành đầy đủ, cách thức thực hiện chưa thống nhất giữa các cơ sở giáo dục trong cùng một tỉnh/thành phố.
Một số công ty tư vấn chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành, như việc ký hợp đồng với đối tác nước ngoài, thông tin về kiểm định và chất lượng của đối tác nước ngoài.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường công tác quản lý hoạt động của các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài và tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; triển khai hiệu quả các đề án, chương trình học bổng đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước; đẩy mạnh công tác quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.
Đồng thời, tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài về đào tạo, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh việc thu hút sinh viên, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.
Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam học tập tại nước ngoài và khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động hợp tác chặt chẽ và chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là với Lào và Campuchia.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các tổ chức, cá nhân có liên quan để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó giúp thúc đẩy việc hội nhập và nâng cao quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế.
Sinh viên Việt Nam tham gia chương trình trao đổi tại Đại học Jonkoping, Thụy Điển. Ảnh IU
Đối với giáo dục phổ thông, năm học 2022-2023, cả nước có 390 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 2 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài so với năm học 2021-2022); 2.438 công ty tư vấn du học (tăng 60 công ty so với năm học trước).
Số cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài chiếm khoảng 20% tổng số cơ sở giáo dục tư thục cấp trung học cơ sở và khoảng 7,9% tổng số cơ sở giáo dục tư thục cấp trung học phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phê duyệt 43 chương trình giáo dục tích hợp giữa chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam và chương trình giáo dục của nước ngoài.
Các nhà trường căn cứ chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam chủ động xây dựng chương trình Việt Nam học phù hợp với học sinh nhà trường, xây dựng thời gian biểu thực hiện nghiêm túc.
Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có gần 80 cơ sở giáo dục có phát triển hợp tác quốc tế (các đối tác chủ yếu gồm Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Bỉ, Hà Lan, Canada, Anh, Úc) trong các lĩnh vực chủ yếu là tăng cường năng lực ngoại ngữ cho học sinh, giáo viên; giao lưu kết nghĩa (4 cơ sở giáo dục), trao đổi giáo viên, học sinh (số lượt trao đổi học sinh/giáo viên trong năm học 2022-2023 là 16 lượt); hỗ trợ các hoạt động giáo dục khác như phòng chống đuối nước, bóng đá cộng đồng, hỗ trợ học sinh khuyết tật...